Các bác sĩ điều trị đau dây 5 nội khoa bằng một số loại thuốc chống trầm cảm, chống co cơ hoặc tiêm thuốc giảm đau. Dùng thuốc gì cũng cần do chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và bệnh nhân phải tuân thủ đúng liệu trình. Nếu không khỏi sẽ chữa ngoại khoa, với sự can thiệp phẫu thuật, hoặc kỹ thuật “đông nhiệt” hạch Gasser.
Mưa nắng thất thường làm nhiều người bị đau giật mặt. Cơn đau rất khó chịu, đặc biệt là khi bị kích thích như lau mặt, ngáp, nói, nhai, đánh răng, cạo râu… nếu không xử trí đúng cách rất dễ bị liệt mặt.
Đau dây thần kinh số 5 có nguy hiểm không?
Đau giật nửa mặt thường được gọi là đau dây thần kinh số 5 (đau dây V, đau dây thần kinh sinh 3, đau dây tam thoa, đau giật mặt, đau mặt, bệnh Fothergill, đặc biệt là tên gọi bệnh tự sát vì hầu hết người bệnh khi đau không thiết sống). Dây số 5 là dây thần kinh sọ lớn nhất, xuất phát từ cầu não, được bao quanh bởi nhiều mạch máu, chia làm 3 nhánh ở mắt, hàm trên và hàm dưới (đảm nhiệm chức năng cảm giác và vận động của cơ hàm, cơ mặt). Khi dây V bị tổn thương sẽ gây rối loạn cảm giác và các hoạt động tại đây.
Theo tài liệu của PGS.TS Hà Hoàng Kiệm (BV 103), đau dây thần kinh số 5 rất đặc thù, cơn đau thường rất nặng, ở nửa mặt, xảy ra đột ngột và thường kéo dài từ vài giây đến không quá 1 phút. Cơn đau dữ dội, như dao đâm, như cắt thịt, sốc điện, nóng bỏng, đau chói… Cơn đau tự phát, hoặc xuất phát từ một điểm khi bị kích thích được gọi là điểm cò súng (phần trung tâm của mặt, quanh mũi và miệng) ở cùng với bên đau. Đau dây 5 diễn biến phức tạp, đau đớn khủng khiếp dù chỉ vài giây tới vài phút ở vùng mặt. Sau cơn đau, người bệnh lại trở về trạng thái bình thường. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng trên 90% mắc sau 40 tuổi, tỉ lệ nữ gấp đôi nam, nhất là độ tuổi 50 – 70, gây các biến chứng không mong muốn nếu không được điều trị kịp thời.
Nguyên nhân và cơ chế của đau dây số 5 có nhiều giả thuyết, trong đó giả thuyết liên quan đến hình thành ổ động kinh gây ra cơn đau có sức thuyết phục cao hơn. Đây là bệnh phức tạp, hay tái phát, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, dung mạo của bệnh nhân nên cần được chữa trị kịp thời.
Đa số các trường hợp bệnh nhân đau dây số 5 bị chẩn đoán nhầm ngay từ đầu (có thể nhầm lẫn với các chứng đau đầu, sâu răng, đau răng, bệnh lý liên quan tới răng lợi, viêm họng, viêm tai… nên thường khá chủ quan. Đau dây số 5 nguy hiểm vì có nguy cơ liệt phần mặt, cần phải chữa trị đúng liệu trình trong thời gian dài.
Nguy hiểm nữa là đau dây 5 có thể bắt nguồn từ các khối u. Hoặc bệnh nhân tự uống thuốc giảm đau, khi tới bệnh viện thì việc điều trị muộn càng khó khăn.
Điều trị đau dây số 5 bằng Tây y
Các bác sĩ điều trị đau dây 5 nội khoa bằng một số loại thuốc chống trầm cảm, chống co cơ hoặc tiêm thuốc giảm đau. Dùng thuốc gì cũng cần do chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và bệnh nhân phải tuân thủ đúng liệu trình. Nếu không khỏi sẽ chữa ngoại khoa, với sự can thiệp phẫu thuật, hoặc kỹ thuật “đông nhiệt” hạch Gasser.
Theo TS Bùi Văn Giang (PGĐ BV đa Khoa Xanh Pôn, Hà Nội) 2 năm qua Khoa Chẩn đoán Hình ảnh của BV đã điều trị cơn đau giật nửa mặt cho gần 50 bệnh nhân bằng phương pháp diệt hạch dây số 5. Đó là khi bệnh nhân không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị, thì kỹ thuật diệt hạch bằng máy chụp mạch số hóa xóa nền (DSA) là giải pháp cuối cùng để cắt cơn đau. Bệnh nhân được gây tê tại chỗ, bác sĩ chọc kim vào đúng vị trí hạch dây 5 rồi tiêm cồn tuyệt đối, hoặc đốt nhiệt bằng sóng cao tần. Thủ thuật khoảng 30 phút là bệnh nhân đi lại, ăn uống bình thường, hôm sau ra viện. Bệnh nhân giảm đau hoàn toàn ngay sau can thiệp đạt trên 90%, chỉ khoảng 10% bệnh nhân còn đau nhưng không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Nhưng kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ có hiểu biết sâu về bệnh lý, tay nghề cao, máy móc hiện đại mới làm được.
Điều trị đau dây 5 bằng Đông y
Đông y mô tả bệnh đau dây 5 là do khí huyết bị cản trở hay bị tắc gây viêm và đau. Trong Y học cổ truyền có nhiều bài thuốc chữa đau dây 5, nhưng đòi hỏi người bệnh phải sắc uống và phải kiên trì.
Ngoài ra, người bệnh áp dụng thêm các phương pháp sau:
Phương pháp Diện chẩn: Cứu thật nóng, thật lâu ở các vùng huyệt để sức nóng của ngải cứu thấm sâu vào huyệt đạo đả thông các kinh mạch, lưu thông khí huyết, bồi bổ thần kinh, phục hồi chức năng các tạng phủ… Nhưng khi đang bị đau đớn dữ dội thì chỉ xoa nhẹ nhàng phía sau đầu, sau đó lập tức cứu nóng các huyệt bằng ngải cứu để dần dịu cơn đau.
Phương pháp Châm cứu: Là phương pháp rất hiệu quả chữa đau dây 5 với ưu điểm là không đau, không có tác dụng phụ, giảm đau nhanh, ít tốn kém. Và nếu kết hợp với thuốc thì hiệu quả đẩy nhanh hơn.
Phương pháp Cấy chỉ: Theo TTƯT – BS Quách Tuấn Vinh (Trung tâm Cấy chỉ Phục hồi chức năng Minh Quang), cấy chỉ điều trị hiệu quả cao, giúp người bệnh giảm đau, phục hồi chức năng vận động mà không phải phẫu thuật, hạn chế sử dụng thuốc. Ưu điểm là rút ngắn được thời gian điều trị (mỗi liệu trình cấy chỉ vào huyệt đạo cách nhau 15 ngày), giảm chi phí và thời gian hơn so với các phương pháp khác.
Nhưng bệnh nhân đang sốt cao, tăng huyết áp kịch phát, phụ nữ có thai, những bệnh nhân có chống chỉ định về châm cứu, người dị ứng với chỉ catgut… thì không được châm cứu/cấy chỉ.
BS Quách Tuấn Vinh cảnh báo, để châm cứu/cấy chỉ an toàn, tránh lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm, nhiễm trùng… người dân cần đến cơ sở có uy tín, quy trình đảm bảo vô khuẩn tốt, thực hiện nguyên tắc một chiều (dụng cụ cấy chỉ dùng riêng cho từng bệnh nhân). Thầy thuốc khi châm cứu/cấy chỉ (rửa tay sạch và cần đeo găng tay phẫu thuật khi cấy chỉ vào huyệt). Bản thân người bệnh cần tắm rửa sạch sẽ trước khi châm cứu/ cấy chỉ. Trước khi châm cứu/cấy chỉ không uống rượu bia, chất kích thích. Không ăn quá no, hoặc quá đói, tắm rửa sạch sẽ. Quá trình cấy chỉ người bệnh cần nghỉ ngơi, có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý để hiệu quả tốt hơn.
Sau châm cứu/cấy chỉ kiêng tắm, kiêng rửa nước 6-8 giờ, tránh gió lùa và môi trường ô nhiễm… 2 ngày đầu kiêng làm việc nặng, hoặc làm nhiều việc. Tránh uống rượu, bia, tập thể dục mạnh; Sau 2 ngày cấy chỉ thì mọi sinh hoạt đều bình thường. Có thể kết hợp với uống thuốc Đông y, Vật lí trị liệu để tăng cao hiệu quả điều trị.
Đau dây thần kinh số 5 cần được chữa trị theo liệu trình của bác sĩ trong thời gian dài. Vì vậy, khi có những dấu hiệu đau dây thần kinh số 5 cần lập tức đi khám ở các bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán chính xác, có phác đồ điều trị phù hợp.
Dấu hiệu đau dây thần kinh số 5: Là các cơn đau mặt và trán kịch phát kéo dài vài giây và dưới 2 phút. Đau có ít nhất các đặc điểm sau:
– Đau đột ngột, dữ dội, nhói, nông, như đâm hay nóng bỏng.
– Phân bố dọc theo một hay nhiều nhánh dây thần kinh tam thoa.
– Cường độ nặng.
– Được kích thích bởi các vùng cò súng, hay bởi các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như ăn, nói, rửa mặt, hay đánh răng (có thể đau khi nhai, nói hoặc khi kích thích vào một điểm trên vùng mặt như má, cằm, răng nướu, môi, mắt và trán).
Ngoài các biểu hiện trên, bệnh nhân không thấy có dấu hiệu bất thường nào khác.