Ai bị đau dạ dày nhất định phải biết NGUYÊN TẮC 3 PHẦN TRỊ 7 PHẦN DƯỠNG quan trọng sau đây
Áp lực cuộc sống và thói quen sinh hoạt thiếu lành mạnh khiến người mắc vấn đề dạ dày ngày càng nhiều và trẻ hóa. Các chuyên gia sức khỏe khuyến cáo để bảo vệ sức khỏe dạ dày, chúng ta nên thực hiện nguyên tắc 3 phần trị, 7 phần dưỡng.
Không quên ăn trái cây mỗi ngày
Nhiều món ăn vặt thật sự hấp dẫn và dễ gây nghiện, chẳng hạn như khoai tây chiên, bắp rang bơ, kẹo, bánh ngọt v.v… Thêm vào đó, chúng ta thường ăn vặt như thế trong những lúc làm chuyện khác như xem tivi, tán gẫu nên dễ dung nạp quá nhiều các loại thực phẩm này một cách vô thức vì cơ thể phát tín hiệu “no” rất chậm.
Kết quả là bạn sẽ mất cảm giác ngon miệng cho bữa cơm chính trong ngày. Không những vậy, ăn nhiều đồ ăn vặt nhiều dầu mỡ, đường còn dễ sinh ra nhiều bệnh tật khác. Thay vào đó, bạn có thể dùng trái cây hay các loại hạt vỏ cứng làm món ăn vặt. Trái cây tươi, hạt hạnh nhân, hạt dẻ, quả óc chó v.v… vừa giúp bạn có thể “lót dạ” những bữa phụ, vừa bổ sung dinh dưỡng và các nguyên tố vi lượng.
Đặc biệt, thói quen mỗi ngày ăn một quả táo luôn được các chuyên gia sức khỏe khuyến khích vì nó bổ sung vitamin, khoáng chất và chất xơ thực vật tuyệt vời cho bạn. Khi đảm bảo cân bằng các bữa ăn chính và phụ với nguồn thực phẩm lành mạnh sẽ giúp dạ dày hoạt động tốt, tránh bệnh tật.
Mỗi bữa ăn không thể thiếu rau xanh
Các loại thịt hay thực phẩm từ động vật tuy có thể chế biến nhiều món ngon và cung cấp nhiều năng lượng, nhưng đồng thời nó cũng tạo gánh nặng cho dạ dày, đường ruột của bạn. Chính vì vậy, rau xanh là nguyên liệu kết hợp cần thiết trong mỗi bữa ăn. Bạn nên có một món rau sống hoặc salad kèm với rau trong các món canh, súp để tạo khẩu vị ngon miệng hơn.
Một bát cháo cũng có tác dụng dưỡng dạ dày
Những người thường uống bia rượu dễ bị kích thích hệ thống tiêu hóa, tổn thương gan, dạ dày và đường ruột. Tốt nhất sau thời gian chè chén thì bạn nên bổ sung thêm một bát cháo mỗi bữa ăn, thực hiện liên tục vài ngày để giúp hệ thống tiêu hóa được “làm lành” lại. Nếu muốn bổ sung dưỡng chất thì các món cháo yến mạch, cháo đu đủ là lựa chọn tuyệt vời.
Thay thịt đỏ bằng thịt trắng
Ăn quá nhiều các loại thịt đỏ như thịt heo, thịt bò, thịt dê có thể dẫn đến chứng cholesterol cao trong máu, gây ra bệnh về tim mạch. Vì vậy, bạn nên thay thế thịt đỏ bằng các loại thịt trắng như thịt gà vịt, cá vừa giúp điều tiết lại chức năng dạ dày, đường ruột mà vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng.
Hạn chế đồ cay, mặn
Nhiều người thích thức ăn khẩu vị đậm đà mới cảm thấy ngon miệng. Tuy nhiên, ăn uống quá nhiều muối và vị cay dễ dẫn đến cao huyết áp, tăng gánh nặng cho thận, tổn thương dạ dày, đường ruột. Tốt nhất chỉ nên dung nạp khoảng 5gr muối mỗi ngày, hạn chế đồ ăn quá cay nóng.
Tăng cường lương thực thô
Thực phẩm chính là cần thiết nhưng nếu quá nhiều tinh bột, lại kết hợp với thức ăn nhiều dầu mỡ, muối, đường rất dễ làm bạn béo phì và sinh nhiều bệnh tật, điển hình là chứng táo bón mãn tính. Vì vậy, thỉnh thoảng bạn nên thay cơm bằng vài loại lương thực thô khác như bắp, yến mạch, gạo lứt v.v… để bổ sung chất xơ, thúc đẩy nhu động ruột.
Điều chỉnh lại thói quen các bữa ăn
Những thói quen không ăn sáng hay ăn tối quá nhiều đều hại dạ dày. Dù bạn đang mắc vấn đề tiêu hóa hay chưa xảy ra triệu chứng thì vẫn nên có các bữa ăn hợp lý trong ngày. Thông thường, lượng thức ăn dành cho ba bữa chính nên theo tỷ lệ khoảng 3:4:3 và nên tập thói quen ăn chậm, nhai kỹ.