Viêm quanh khớp vai là một bệnh bao gồm những trường hợp đau, hạn chế vận động khớp vai và tổn thương ở phần mềm quanh khớp (chủ yếu là gân, cơ, dây chằng và bao khớp). Tuy vậy, viêm quanh khớp vai không làm tổn thương của đầu xương, sụn khớp và bao hoạt dịch.
Viêm quanh khớp vai là một bệnh thường gặp, chủ yếu ở người trưởng thành, nếu không được phát hiện và điều trị đúng có thể để lại biến chứng làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sinh hoạt.
Vì vậy, cần có biện pháp phòng bệnh thích hợp.
Khớp vai là một khớp có cấu tạo phức tạp, bao gồm 5 khớp nhỏ: đó là khớp mõm cùng cánh tay, khớp vai chính, khớp bả vai lồng ngực, khớp mõm cùng xương đòn, khớp ức đòn. Khớp vai có ảnh hưởng nhiều đến phần trên của lưng và các rễ thần kinh vùng cổ, các hạch giao cảm cổ. Viêm quanh khớp vai là một bệnh bao gồm những trường hợp đau, hạn chế vận động khớp vai và tổn thương ở phần mềm quanh khớp (chủ yếu là gân, cơ, dây chằng và bao khớp). Tuy vậy, viêm quanh khớp vai không làm tổn thương của đầu xương, sụn khớp và bao hoạt dịch.
Nguyên nhân gây viêm quanh khớp vai
Do chấn thương mạnh vào vùng vai hoặc là những chấn thương do nghề nghiệp, tai nạn (tai nạn lao động, tai nạn giao thông), do tập luyện thể thao, nhất là các môn có tác động mạnh vào khớp vai như cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền… Viêm quanh khớp vai có thể liên quan đến thay đổi thời tiết (lạnh, ẩm). Ngoài ra, viêm quanh khớp vai do viêm gân, thoái hoá, vôi hoá phần mềm của khớp vai thường gặp ở người lớn tuổi (trên 50 tuổi). Tuy vậy, có một số trường hợp không tìm thấy nguyên nhân một cách chính xác.
Triệu chứng viêm quanh khớp vai
Theo các chuyên gia xương khớp, có 4 thể lâm sàng của viêm quanh khớp vai, đó là cơ delta không hoạt động được do đứt các gân mũ cơ quay hoặc đứt các gân của bó dài gân nhị đầu dẫn đến giả liệt khớp vai hoặc đau vai đơn thuần thường do bệnh lý gân. Hoặc cứng khớp vai do co thắt bao khớp, viêm dính bao hoạt dịch, bao khớp dẫn đến giảm vận động khớp ổ chảo – xương cánh tay. Hoặc đau vai cấp do lắng động vi tinh thể.
Dù là thể lâm sàng nào, thường xuất hiện các cơn đau ở cánh tay và vai mỗi khi xoay cánh tay vào bên trong hoặc dang tay ra hai bên hoặc đưa cánh tay lên, hạ cánh tay xuống, cơn đau sẽ xuất hiện. Càng về sau, cơn đau sẽ xuất hiện với tần suất thường xuyên hơn rất nhiều, thậm chí cơn đau sẽ bắt đầu lan sang khuỷu tay, cánh tay, mỏm làm cho chức năng hoạt động của cánh tay gặp phải những cản trở nhất định. Thứ đến là bị hạn chế vận động. Khi thực hiện động tác xoay hoặc dang tay, đưa tay lên sẽ bị hạn chế kèm theo đau. Tuy vậy, một số trường hợp sau khi vượt qua ngưỡng đau, người bệnh sẽ thấy không còn bị đau nhức và có thể thực hiện một số động tác mang tính thụ động. Ngoài ra, do ảnh hưởng đối với các dây thần kinh vận động quanh khớp vai nên những khớp ngón tay trở nên cứng, khó co duỗi, nhất là khi thực hiện động tác gấp, duỗi không được nhịp nhàng.
Biến chứng do viêm quanh khớp vai
Thường bị đau khớp vai dai dẳng, nhất là lúc cử động. Cơn đau có thể ngừng sau một thời gian, nhưng sau đó lại tái phát với cảm giác đau dữ dội hơn làm cho cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh bị đảo lộn. Nguy hiểm nhất là khi bị viêm quanh khớp vai nhưng không biết hoặc biết nhưng không được điều trị hoặc điều trị không đúng có thể dẫn đến cứng khớp vai làm cho người bệnh vận động khó khăn. Ngoài ra, viêm quanh khớp vai có thể làm tổn thương gân, thậm chí đứt gân làm mất khả năng vận động khớp vai.
Nguyên tắc điều trị
Khi thấy xuất hiện đau khớp vai do tai nạn hoặc do chơi thể thao nên được khám bệnh ngay, tốt nhất là khám chuyên khoa xương, khớp để được điều trị đúng, tránh để xảy ra các biến chứng. Nguyên tắc điều trị thường dùng thuốc giảm đau, chống viêm, giãn cơ. Ngoài ra, có thể sử dụng thêm loại glucossamin, chondroitin vừa có tác dụng giảm đau khớp vừa có tác dụng tái tạo khớp. Tuy vây, dùng loại thuốc nào, liều lượng ra sao là do bác sĩ khám bệnh cho mình chỉ định, người bệnh không tự động chẩn đoán, tự động mua thuốc để điều trị nếu không có chuyên môn về y học. Bên cạnh điều trị nội khoa (dùng thuốc) có thể kết hợp ý liệu pháp, xoa bóp. Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) khi thật cần thiết và do bác sĩ điều trị chỉ định.
Phòng bệnh thế nào?
Không nên lao động quá mức, nhất là động tác mang, vác, đội đầu nặng, sai tư thế. Cần hết sức thận trọng khi chơi các môn thể thao dễ gây chấn thương khớp vai (bóng bàn, cầu lông, bóng chuyền, cầu mây…).
Chú ý khi tham gia giao thông, đi đứng cần thận trọng, nhất là mặt bằng bị trơn trượt, đặc biệt với người cao tuổi, yếu.
Nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đặc biệt là thực phẩm giàu canxi để xương được chắc, tránh bị loãng xương. Hàng ngày, nên vận động cơ thể với khớp vai nên tập đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Nếu đã bị viêm khớp quanh vai, nếu tập sai có thể làm bệnh nặng thêm.