Nếu ăn quá nhiều đạm dễ khiến trẻ khó tiêu hoá dẫn đến chán ăn, táo bón và làm suy giảm chức năng gan, thận của trẻ. Đồng thời trẻ cũng khó hấp thu các loại vitamin, dễ sút cân và đi ngoài phân sống.
Cho con đi khám dinh dưỡng khi con chậm lên cân, đi ngoài phân sống, nhiều bà mẹ mới “ngã ngửa” bởi nguyên nhân chính là những cách nấu cháo, bột này của mình.
Đưa con gái 17 tháng tuổi đi Khám tại viện Dinh dưỡng Quốc gia, Chị Nguyễn Lý, Đống Đa, Hà Nội cho biết, đã nhiều tháng nay, con chị lên cân rất chậm. Khẩu phần của bé là 3 bữa cháo, 2 bữa sữa và 1 bữa hoa quả hoặc sữa chua vào lúc 7 giờ tối. Chị Lý cho biết cháo của con gái chị không bao giờ mua ở ngoài quán mà thường do gia đình tự nấu lấy. Buổi sáng, chị dậy từ 6 giờ sáng đi chợ mua xương ống về ninh nhừ lấy nước sau đó mới cho gạo và cà rốt, khoai tây ninh lẫn nên bát cháo đặc sánh, thơm ngậy và rất ngon.
Ngoài xương ống, chị Lý còn nấu cháo bằng nước thịt ninh nhừ, nước cá ninh nhừ, nước trai và nhiều loại hải sản biển khác. Tuy vậy, con gái chị vẫn lên cân rất chậm.
Chị Thanh Lam, Long Biên, Hà Nội cũng đưa con trai 12 tháng tuồi đi khám dinh dưỡng cho biết, mỗi ngày ngoài sữa, chị thường cho con trai mỗi bữa cháo gồm 1 lạng thịt xay nhỏ, hoặc một con chim bồ câu nhưng không hiểu sao vài tháng nay con trai chị thường xuyên bị đi ngoài phân sống và không thấy tăng cân. Chị Vân đưa con đi khám và được biết khẩu phần ăn chứa quá nhiều đạm khiến bé bị đi ngoài phân sống do không hấp thụ hết thức ăn.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia thịt, cá, xương, trai…chứa hàm lượng đạm cao nhưng nếu chỉ ninh nhừ lấy nước nấu cháo mà bỏ bã thì sẽ thu được rất ít lượng đạm vì các loại đạm không tan trong nước. Do đó, dù các bà mẹ hầm rất nhiều thịt nhưng trong nước nấu cháo vẫn không đủ hàm lượng đạm cần thiết cho cơ thể, dẫn đến trẻ thiếu năng lượng và các vi chất khác.
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm còn cho biết thêm, không chỉ ít chất đạm (khoảng 0,6g/100ml), nước hầm thịt, hầm xương còn có rất ít canxi (33,5mg/100ml). Chất đạm và chất canxi là những chất khó hoà tan trong nước. Nhưng có nhiều bà mẹ lại hiểu lầm là cho trẻ ăn nước xương sẽ khiến trẻ mau cứng xương. Một trong những lý do khiến trẻ thích ăn cháo được ninh bằng nước thịt, xương hầm vì trong đó có chứa nhiều chất có nitơ làm nước có mùi thơm, ngon, kích thích thèm ăn.
Thịt, xương ninh nhừ lấy nước sẽ thu được rất ít lượng đạm vì đạm không tan trong nước. Ảnh minh họa.
Về vấn đề đạm với trẻ em, theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ ăn thiếu đạm thường xuyên sẽ khiến cơ thể thiếu hụt năng lượng và có thể suy dinh dưỡng trường diễn. Nhưng nếu cho trẻ ăn quá nhiều đạm trong một bữa ăn cũng không phải là tốt vì dễ khiến trẻ chán ăn và đi ngoài phân sống.
Nếu ăn quá nhiều đạm dễ khiến trẻ khó tiêu hoá dẫn đến chán ăn, táo bón và làm suy giảm chức năng gan, thận của trẻ. Đồng thời trẻ cũng khó hấp thu các loại vitamin, dễ sút cân và đi ngoài phân sống. Với trẻ 1 tuổi chỉ cần từ 25-30gr protein (hàm lượng đạm)/1 ngày là đủ. Trong đó, 100gr thịt nạc thăn chứa khoảng 18g protein, 1 lít sữa bò chứa 33g protein. Vì vậy, mỗi ngày trẻ 1 tuổi chỉ cần 100gr thịt cùng với 2-3 cốc sữa là đủ.
Những thức ăn giàu chất đạm là tim, gan, bầu dục, óc động vật. Những loại thức ăn này còn là nguồn cung cấp các yếu tố vi lượng rất cần thiết cho cơ thể trẻ như: sắt, kẽm, vitamin A. Chẳng hạn trong 100g bầu dục có 16g đạm, 7,8mg sắt, 2,6mg kẽm và 117mcg vitamin A. Vì vậy rất nhiều bà mẹ thường xuyên cho con ăn cháo tim, bầu dục. Tuy nhiên, nếu trẻ ăn quá nhiều sẽ khiến trẻ chán ăn, khó tiêu hoá.
Óc lợn cũng rất tốt nhưng mỗi tuần chỉ nên cho trẻ ăn 1 bộ óc lợn là vừa. Để đảm bảo các chất dinh dưỡng, mỗi bữa ăn của trẻ phải đầy đủ bốn nhóm thực phẩm như bột gạo, thịt hoặc cá, rau xanh và dầu mỡ. Với trẻ độ tuổi từ 1-2 tuổi, mỗi bữa chỉ cần nấu 1 nắm gạo tẻ, 3-4 thìa cà phê cá hoặc thịt, tôm…băm nhỏ, rau xanh thái nhỏ 3 thìa và 2 thìa dầu hoặc mỡ.