Gà cái bang (hay gà ăn mày), thực chất là tên gọi dùng để chỉ món gà nướng đất sét. Đây là món ăn dân dã, gắn liền với người dân miền Tây Nam Bộ trong thời kỳ khai hoang, mở đất. Có rất nhiều câu chuyện thú vị được lưu truyền về nguồn gốc của món ăn này.
Nếu đã từng thưởng thức “gà cái bang”, chắc chắn thực khách sẽ chẳng thể nào quên được hương vị dân dã, thôn quê thấm đẫm trong từng thớ thịt. Món ăn bình dị và đơn sơ như chính tên gọi của nó, nhưng lại có thể so bì với mọi sơn hào hải vị được bày trên bàn tiệc sang trọng.
Gà cái bang (hay gà ăn mày), thực chất là tên gọi dùng để chỉ món gà nướng đất sét. Đây là món ăn dân dã, gắn liền với người dân miền Tây Nam Bộ trong thời kỳ khai hoang, mở đất. Có rất nhiều câu chuyện thú vị được lưu truyền về nguồn gốc của món ăn này.
Gà cái bang là tên gọi khác của gà đắp đất sét
Từ xa xưa, người dân thường đi vào rừng rậm để dựng lều sinh sống. Ban ngày, họ khai hoang khẩn đất trồng lúa, chiều đến thì đi săn bắt thú rừng để ăn và ngủ lại trong rừng. Các món ăn ngày đó cũng không được chế biến cầu kỳ, chỉ cần nướng chín trên lửa rồi nhâm nhi với vài ly rượu đế, có chăng là ngân nga thêm vài câu vọng cổ. Món gà nướng đất sét cũng từ đó mà được hình thành.
Ngoài ra, có câu chuyện truyền lại, xưa có anh ăn xin nghèo ăn trộm được con gà, khi đang nhóm lửa thì bất chợt thấy quan binh tìm bắt. Quá hoảng loạn, anh ta vội lấy đất sét bọc kín con gà rồi ném vào đống lửa. Không ngờ, khi bóc đất ra lại có món gà thơm ngon độc đáo không gì sánh bằng. Cái tên gà ăn mày hay gà cái bang cũng được “khai sinh” từ đó.
Ở mỗi vùng quê, gà nướng đất sét lại có cách chế biến khác nhau
Đừng vội nghe tên gọi tầm thường mà khước từ cơ hội thưởng thức, bởi với người bản địa, món ăn được đánh giá là hàng cực phẩm. Để có một món gà “đúng chuẩn”, người chế biến phải trải qua những công đoạn rất công phu và cầu kỳ.
Thông thường, người ta sẽ chọn gà rừng hoặc gà chạy bộ làm nguyên liệu. Gà sau khi bắt về đem làm sạch, khoét một lỗ tại vị trí phao câu rồi khéo léo móc hết ruột ra. Ruột gà lại được tỉ mỉ làm sạch, ướp gia vị cho thấm, riêng phần huyết thì để cho đông rồi cho lại vào bụng gà cùng với bộ lòng.
Trong quá trình chế biến, người ta thường cho thêm lá chanh và sả băm vào bụng gà để khử đi mùi tanh. Khi gà đã ngấm gia vị, người chế biến tiếp tục lấy lá sen hoặc lá chuối già bọc kín gà rồi đắp đất sét lên.
Đất sét dùng trong món ăn cũng phải được mang từ bờ sông về, nhào với nước sao cho vừa đủ dẻo để làm tăng sự kết dính. Kỹ thuật đắp đất sét cũng quyết định đến chất lượng món ăn. Phải đắp làm sao cho vừa bo tròn đều con gà và vừa đủ dày để nướng chín thịt.
Gà được nướng trong khoảng 2 giờ đồng hồ. Trong suốt quãng thời gian này, đầu bếp cần chọn củi khô, chất rơm lên đốt nóng liên tục. Chỉ có vậy, hơi nóng mới đủ sức lan tới bên trong. Từ miếng đất dẻo dính ban đầu, gà đập đất khi hoàn thiện phải có lớp đất khô, săn cứng. Bóc đất tới đâu, lông gà dính theo tuột ra đến đó, để lộ phần da gà óng ả, thân gà tròn trơn mà thơm lừng hấp dẫn.
Gà nướng xong để nguyên con, đem xé thịt bóp cùng muối tiêu chanh và rau răm. Từng miếng gà nướng vàng nâu óng ả thơm lừng, với phần da ăn hơi giòn ngậy nhưng thịt bên trong lại mềm và đậm đà. Người ta thường ăn kèm thêm chút xôi khi thưởng thức gà nướng đất sét.
Miền Tây không chỉ nổi tiếng với các loại trái cây quý mà còn được nhiều người biết tới với các món ăn bình dị, tựa như cuộc sống người dân nơi đây. Từ món ăn phổ biến của xứ miệt vườn, gà nướng đất sét đã trở thành một trong những đặc sản được rất nhiều du khách yêu thích. Món ăn chẳng có gì cao sang, lại được chế biến từ những sản vật sẵn có nhưng lại hấp dẫn đến khó tả và đem lại nỗi khắc khoải, nhớ mong cho người xa xứ.