Tai biến mạch máu não là căn bệnh mà người trẻ có thể mắc, đây là cách phòng tránh đơn giản nhất
Tai biến mạch máu não nguy hiểm như thế nào?
Tai biến mạch máu não nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ để lại các biến chứng nguy hiểm. Biến chứng của tai biến mạch máu não sẽ phụ thuộc vào vị trí não bị ảnh hưởng và khoảng thời gian não không có oxy là bao lâu.
Các biến chứng phổ biến gồm:
Phù nề não
Sưng não sau tai biến mạch máu não.
Viêm phổi
Được gây ra bởi các vấn đề về hô hấp, biến chứng của nhiều bệnh nặng. Người bệnh gặp khó khăn trong việc nuốt có thể khiến thức ăn, đồ uống đi vào phổi, dẫn đến viêm phổi.
Trầm cảm lâm sàng
Điều này là rất phổ biến sau tai biến mạch máu não hoặc có thể trở nên tồi tệ hơn với những người bị trầm cảm trước tai biến.
Động kinh
Biến chứng này khá phổ biến ở người bị tai biến mạch máu não. Nguyên do là sau tai biến, não hoạt động bất thường, gây ra co giật.
Giảm hoặc mất thị lực
Có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt.
Các chi bị co cứng
Biến chứng của tai biến mạch máu não có thể khiến cơ bắp các chi bị co cứng, dẫn đến khả năng vận động của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chứng nghẽn mạch máu
Việc mất khả năng vận động hoặc khả năng vận động bị hạn chế một cách nghiêm trọng có thể khiến cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch chân, gây ra chứng nghẽn mạch máu.
Mất chức năng ngôn ngữ đột ngột
Sau tai biến, một số người bệnh bị mất khả năng nói. Theo thống kê, có khoảng 1 triệu người Mỹ bị mất khả năng ngôn ngữ và có gần 180.000 trường hợp mới mỗi năm, theo Hiệp hội Hội chứng bất lực ngôn ngữ quốc gia (National Aphasia Association). Người bị hội chứng này sẽ gặp vấn đề khó nói, nói không đầy đủ, nói những từ vô nghĩa, không hiểu người khác nói gì…
Cách phòng tránh là gì?
Thật sự, tai biến mạch máu não là căn bệnh vô cùng nguy hiểm. Chính vì thế, ngay từ khi còn trẻ, bạn nên chủ động phòng ngừa, tốt nhất nên có lối sống lành mạnh và kiểm tra sức khỏe tổng quát định kỳ để sớm phát hiện những bất thường và điều trị kịp thời.
Giữ huyết áp ở mức lý tưởng
Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân gây ra các cơn đột quỵ. Để duy trì huyết áp ở mức lý tưởng dưới 135/85 mmHg, bạn cần giảm muối trong chế độ ăn uống, không quá 1,5 g mỗi ngày (khoảng 1/2 thìa cà phê), tránh các loại thực phẩm giàu cholesterol như bánh mì kẹp thịt, phô mai và kem; nên ăn 4-5 phần rau và trái cây mỗi ngày, 2-3 phần cá mỗi tuần.
Bên cạnh đó, bạn cần tiêu thụ thêm ngũ cốc nguyên hạt và sữa ít chất béo. Người bệnh có thể dùng thêm thuốc ổn định huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ.
Giữ chỉ số khối cơ thể thấp hơn 25
Chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 25 khiến chúng ta có thể bị thừa cân, béo phì, từ đó dẫn đến nguy cơ mắc đột quỵ não. Để kiểm soát chỉ số BMI ở mức thấp hơn 25, người bệnh không nên ăn quá 1.500-2.000 calorie mỗi ngày (tùy thuộc mức độ hoạt động và chỉ số BMI), đồng thời nên tăng cường vận động thể chất như đi bộ, chơi golf hoặc tennis đều đặn.
Tập thể dục nhiều hơn
Người bệnh có thể tập thể dục ở cường độ vừa phải như đi dạo sau bữa tối, tham gia một câu lạc bộ thể dục với bạn bè, đi thang bộ thay vì thang máy ít nhất 5 ngày/tuần. Nếu không thể tập liên tục 30 phút, bạn có thể chia nhỏ thành 10-15 phút/lần và 2-3 lần/ngày.
Hạn chế uống bia, rượu
Thay vì thường xuyên sử dụng rượu, bia với nồng độ cao, bạn nên uống rượu vang đỏ với một lượng vừa phải (khoảng 1 ly nhỏ mỗi ngày). Rượu vang đỏ có chứa resveratrol, giúp bảo vệ tim và não.
Kiểm soát bệnh đái tháo đường
Việc kiểm soát chỉ số đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ là điều cần thiết. Ngoài ra, bạn nên áp dụng chế độ ăn uống khoa học, tập thể dục và dùng thuốc điều trị để giữ đường huyết luôn ở mức ổn định.
Không hút thuốc lá
Theo nhiều nghiên cứu, hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nếu khó từ bỏ thuốc lá, bạn nên nhờ bác sĩ tư vấn để chọn cách thích hợp, ví dụ sử dụng các sản phẩm giúp cai thuốc lá như viên ngậm nicotine, miếng dán…