Những thắc mắc phổ biến nhất về căn bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết có lây không? Và lây qua đường nào? Sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi?

Trong quá trình khám bệnh và điều trị bệnh nhân, những bác sỹ khoa Nội tổng hợp – Bệnh viện Đa khoa YHCT Hà Nội gặp được rất nhiều những câu hỏi, những thắc mắc của bệnh nhân cũng như người nhà.

Xin được trích dẫn một vài câu hỏi để cung cấp thêm thông tin về bệnh sốt xuất huyết cho bạn đọc.

Sốt xuất huyết có lây không? Và lây qua đường nào?
Sốt xuất huyết là bệnh lây truyền qua đường máu, do virus Dengue gây ra và trung gian truyền bệnh là muỗi Andes ( hay còn gọi là muỗi vằn). Cơ chế lây truyền như sau:

– Muỗi đốt người bệnh A và hút phải máu có virus. Sau đó virus sinh sôi này nở trong cơ thể muỗi khiến khi muỗi đốt người lành B, muỗi sẽ truyền virus Dengue vào người B. Từ đó người B mắc bệnh.

– Virus truyền sang trứng muỗi rồi trứng nở thành lăng quăng, sau đó thành muỗi con mang virus. Nếu muỗi đi đốt người, sẽ truyền virus cho người và kết quả là người mắc bệnh.

sot xuat huyet dang song hanh cung soi trong nhung ngay dau nam 2019 02 16 10 24 Những thắc mắc phổ biến nhất về căn bệnh sốt xuất huyết
Muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết bao lâu thì khỏi?
Sốt xuất huyết gồm 3 giai đoạn:

Giai đoạn sốt: Thường từ ngày thứ 1 – 3.

Giai đoạn nguy hiểm: Thường vào ngày thứ 3 – 7 của bệnh. Người bệnh có thể còn sốt hoặc giảm sốt nhưng đây là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết, và yêu cầu sự theo dõi chặt chẽ của nhân viên y tế cũng như người bệnh và gia đình.

Giai đoạn hồi phục : Thường sau giai đoạn nguy hiểm 24 – 48 giờ và kéo dài 2 – 3 ngày. Người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên.

Như vậy, bệnh sẽ diễn biến trung bình khoảng 9 – 10 ngày, có thể sớm hơn hoặc lâu hơn tùy thuộc thể trạng của từng người bệnh.

Sốt xuất huyết ngày thứ 3, 4, 5, 6, 7
Giai đoạn này bệnh nhân có thể hạ sốt hoặc hết sốt, khiến bệnh nhân sinh tâm lý chủ quan và không theo dõi tiếp bệnh của mình.

Thậm chí có những bệnh nhân hết sốt lại tiếp tục đi làm. Nhưng đây chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết bởi những biến chứng sau:

Biến chứng tăng tính thấm thành mạch: Gây thoát dịch khỏi mạch máu, biểu hiện bằng tràn dịch màng phổi, màng bụng, mô kẽ.

Nếu thoát dịch quá nhiều sẽ dẫn tới tình trạng cô đặc máu, lại không được bù dịch kịp thời. Điều này làm thiếu thể tích trong lòng mạch dẫn đến bệnh nhân sẽ tụt huyết áp và sốc. Nếu không xử trí kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong trong một vài giờ.

Biến chứng hạ tiểu cầu trong máu: Gây ra chảy máu bất thường ở nhiều nơi như xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng.

Thậm chí xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, băng kinh… và có thể dẫn đến tử vong nếu không được truyền tiểu cầu, cầm máu kịp thời

Điều trị sốt xuất huyết: Khi nào điều trị tại nhà? Khi nào cần nhập viện?
Sốt xuất huyết có thể điều trị tại nhà, tuy nhiên bạn cần phải tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bạn đột ngột sốt cao, kèm đau đầu, đau nhức hốc mắt,… bạn cần đi khám ngay để xác định rõ bệnh của mình.

Bác sĩ có thể cho bạn xét nghiệm công thức máu, kiểm tra sự hiện diện của virus Dengue. Nếu tình trạng không quá nguy hiểm (như cô đặc máu, giảm tiểu cầu nhiều..), bác sĩ sẽ cho bạn đơn thuốc về nhà và tự theo dõi tiếp bệnh của mình, khoảng 2 ngày khám lại một lần.

Việc điều trị ở nhà cơ bản là bù lại lượng dịch bạn mất khi sốt cao (bù bằng đường uống) + thuốc hạ sốt + thuốc nâng cao thể trạng. Bạn tuyệt đối không nên tự ý truyền dịch tại nhà khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Ngứa trong khi bị sốt xuất huyết
Có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết gặp triệu chứng ngứa, đặc biệt là ở lòng bàn tay, bàn chân. Triệu chứng này thường xảy ra trong giai đoạn hồi phục của bệnh và được giải thích do tái hấp thụ dịch ngoại bào vào máu.

Như vậy, triệu chứng này không hề nguy hiểm, ngứa sẽ kéo dài khoảng 2 -3 ngày. Để giảm ngứa, bệnh nhân có thể uống nhiều nước, dùng thuốc kháng histamin như Loratadin hoặc Clopheniramin.

Sốt xuất huyết uống nước dừa, nước cam, sữa: Đúng hay sai?
Trong sốt xuất huyết, việc sốt cao mấy ngày liên tục sẽ khiến bệnh nhân bị mất nước, mất dịch. Việc bù dịch đơn giản nhất là cho bệnh nhân uống Oresol.

Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân khó uống oresol. Việc này có thể thay thế bằng uống nước dừa, nước cam, nước bưởi, nước chanh để bù lại lượng dịch đã mất.

Hơn nữa, các loại quả trên chứa nhiều khoáng chất và vitamin C, giúp tăng cường sức đề kháng và tăng sự vững bền của thành mạch.

coconutwaterkefir 2019 02 16 10 26 Những thắc mắc phổ biến nhất về căn bệnh sốt xuất huyết
Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể uống nước dừa để bù dịch

Việc uống sữa là để bổ sung thêm dinh dưỡng, bởi có nhiều bệnh nhân khá mệt, ăn uống kém, chán ăn.

Chế độ ăn cho bệnh nhân sốt xuất huyết
Đặc điểm của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục khiến bệnh nhân mệt mỏi, mất nước, mất dịch ăn uống kém, chán ăn. Chế độ ăn cho người bệnh cần lưu ý:

Quan trọng nhất là bù nước. Cần uống nước, uống oresol đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra bệnh nhân có thể uống nước dừa, nước cam, chanh, bưởi.

Ăn thức ăn lỏng và mềm như cháo hoặc súp, vừa giàu chất dinh dưỡng, lại dễ hấp thu. Tích cực bổ sung các món ăn giàu chất đạm từ trứng, thịt…; thực phẩm giàu vitamin, giàu kẽm ( thịt bò, gà..). Bệnh nhân có thể uống thêm sữa. Không nên ăn cơm hoặc những đồ ăn cứng khó nuốt.

Đối với trẻ em bị sốt xuất huyết: Nếu trẻ còn bú mẹ thì tiếp tục cho con bú. Khi trẻ đã ăn dặm thì nên chia nhỏ bữa ăn và nước uống, không nên cho ăn nhiều một lúc.

Kiêng ăn đồ chiên rán, thức ăn nhiều dầu mỡ: Có nhiều trường hợp bệnh nhân có triệu chứng đi ngoài phân lỏng. Việc ăn thức ăn có nhiều dầu mỡ sẽ khiến tình trạng này tệ hơn, khiến bệnh nhân mất thêm một lượng dịch. Ngoài ra, các gia vị chua cay cũng không nên sử dụng.

Các chất kích thích như rượu, bia, cà phê tuyệt đối không sử dụng.

Mẹ bị sốt xuất huyết có được cho con bú?
Sốt xuất huyết lây qua đường máu, do đó việc cho con bú không ảnh hưởng gì. Bạn cần ăn uống đủ chất, uống nhiều nước hơn để đảm bảo lượng sữa cho con. Bạn cũng cần ngủ màn để tránh bé bị muỗi đốt; phun xịt muỗi, diệt lăng quăng, bọ gậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *