Những mẹ bầu nào có thai kỳ “báo động đỏ”, cần nằm giữ thai suốt 9 tháng?
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc một thai nhi bị đánh giá là “nguy hiểm”. Trong đó có thể kể đến:
1. Các biến chứng trước thai kỳ
Nếu bà mẹ gặp phải bất kỳ biến chứng nào ở lần sinh đẻ trước đó, như sinh non, sảy thai, các vấn đề tiền sản, xuất huyết, hay các biến chứng khi chuyển dạ, khả năng bà mẹ gặp thai kỳ nguy hiểm ở các lần sinh đẻ sau đó cũng sẽ rất cao.
2. Các vấn đề sức khỏe
Tiền sử bệnh lý của người mẹ là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến trường hợp thai kỳ gặp nguy hiểm. Bà mẹ từng mắc phải các chứng bệnh như cao huyết áp, tiểu đường, các vấn đề về tim và thận, tuyến giáp, hoặc các bệnh truyền nhiễm như HIV, giang mai, viêm gan C, v.v.. đều bị liệt vào nhóm nguy hiểm. Trong trường hợp này, các mẹ cần sự giám sát y tế liên tục để đảm bảo điều kiện cơ thể cho phép quá trình thai nghén diễn ra được suôn sẻ.
Những mẹ bầu có vấn đề về sức khỏe trước khi mang thai cần được theo dõi cẩn thận trong suốt thai kỳ.
3. Các liệu pháp chữa trị vô sinh
Các liệu pháp chữa trị vô sinh hầu hết đều mang lại hiệu quả, nhưng không thể không kéo theo những tác dụng phụ như sảy thai, sinh non, sinh nhiều con, v.v… Các trường hợp như vậy xảy ra do các liệu pháp điều trị vô sinh thường gây tác động tiêu cực đến sức khỏe của bà mẹ và có thể để lại di chứng lâu dài.
4. Yếu tố di truyền
Nếu bà mẹ có tiền sử các bệnh di truyền về tim mạch, tuyến giáp, thalassemia (nhóm các chứng bệnh thiếu máu có tính di truyền), điều đó cũng có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi và đều bị xét vào diện “nguy hiểm”.
5. Các vấn đề về lối sống
Các thói quen nguy hại như hút thuốc, uống rượu bia hoặc nghiện ma túy có thể gây hại đến sức khỏe của người mẹ và tàn phá thai nhi. Chúng không chỉ gây nguy hiểm đến sức khỏe sinh sản của người mẹ, mà còn dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng cho sự phát triển thể chất và tinh thần của thai nhi.
Bên cạnh những yếu tố kể trên, các nguyên nhân khác như độ tuổi của người mẹ (thường là trên 35), di chứng ung thư, bà mẹ đang phải điều trị y tế khi mang thai v.v…đều có thể gia tăng các biến chứng khi sinh con.
Mẹ hút thuốc lá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi.
Làm thế nào để phòng tránh gặp nguy hiểm khi mang thai?
Thai kỳ nguy hiểm không quá phổ biến nên các mẹ không phải lo lắng quá nhiều. Một đội ngũ bác sĩ và nhân viên y tế giàu kinh nghiệm sẽ giúp các mẹ phát hiện những “nguy cơ” khi mang thai và giải quyết các vấn đề trên một cách suôn sẻ. Ngoài ra, các mẹ cần làm theo những cách sau để phòng tránh các biến chứng khi mang thai:
– Xét nghiệm di truyền và khám toàn bộ cơ thể trước khi quyết định thụ thai. Nó sẽ giúp các mẹ kịp thời phát hiện các biến chứng bất thường.
– Nhờ đến sự giám sát của một chuyên gia có kinh nghiệm, như các nhà thai sản học, người được huấn luyện để giải quyết các trường hợp thai kỳ gặp nguy hiểm.
– Đi khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo điều kiện cơ thể của mẹ vẫn ổn định và không gặp phải biến chứng nào.
– Bỏ các thói quen nguy hại như hút thuốc và uống rượu bia.
Mẹ bầu cần xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý để phòng tránh các nguy cơ cho mẹ và bé.
– Sử dụng các loại vitamin và thực phẩm bổ sung để giúp mẹ và bé luôn khỏe mạnh.
– Xây dựng chế độ ăn cân bằng, giàu dinh dưỡng cho mẹ bầu .
– Giữ khoảng cách với những người bị cúm hoặc các bệnh truyền nhiễm khác.
Trên đây là những lời khuyên quan trọng để các mẹ có thể phòng tránh các nguy cơ phát sinh trong quá trình thai nghén một cách hiệu quả. Trong trường hợp các mẹ bầu bị chuẩn đoán ”gặp nguy hiểm”, thì những gợi ý trên cũng sẽ giúp các mẹ đưa ra những sự lựa chọn đúng đắn, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.