Tại sao mọi người trên thế giới đều quan tâm, thậm chí sợ hãi bệnh ung thư gan?
Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2018 cho thấy toàn thế giới có 841.080 trường hợp mắc ung thư gan và chiếm 4,7% các bệnh ung thư.
Còn theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2018, ung thư gan là bệnh ung thư gây tử vong đứng hàng thứ ba trên thế giới, ước tính 782.000 ca tử vong mỗi năm. Bệnh gây tử vong nhanh chóng, đa số các bệnh nhân tử vong trong vòng 1 năm sau chẩn đoán.
Việt Nam nằm trong ‘vùng đỏ’ về ung thư gan khi thuộc nhóm những nước có tỷ lệ người bị ung thư gan cao nhất thế giới với tỷ lệ mắc bệnh là 23,2/100.000 người ở cả hai giới. Việt Nam có 25.335 ca mắc mới ung thư gan và 25.404 trường hợp tử vong vì bệnh này.
Các bác sĩ cho biết ung thư gan là bệnh khó phát hiện sớm do tiến triển thầm lặng. Ở giai đoạn sớm, bệnh không đưa ra các triệu chứng, sau đó bệnh xuất hiện các triệu chứng khá mờ nhạt nên bệnh nhân cũng dễ nhầm lẫn.
Chỉ đến khi khối ung thư trở nên lớn hơn, tức là bệnh ở giai đoạn muộn, các dấu hiệu mới rõ ràng. Khi đó, tỷ lệ chữa khỏi khá thấp.
Những con số giật mình về bệnh ung thư gan ở trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam khiến cho tất cả chúng ta đều quan tâm đến căn bệnh này. Thậm chí, nhiều người cảm thấy sợ hãi và hoảng hốt mỗi khi nghe đến bệnh ung thư gan.
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư gan
– Tuổi tác: Những người càng lớn tuổi càng có nguy cơ ung thư
– Giới tính: Nam giới dễ phát triển ung thư gan hơn nữ. Trung bình cứ 2 người nam mới có một người nữ bị ung thư gan
– Chủng tộc và dân tộc: Người châu Á và các đảo Thái Bình Dương dễ bị ung thư gan hơn người châu Âu
– Các bệnh lý khác: Những người có viêm gan siêu vi B (HBV) hay viêm gan siêu vi C (HCV) có nguy cơ ung thư gan cao nhất
– Người béo phì: Người mắc bệnh xơ gan
– Các bệnh lý chuyển hóa như đái tháo đường
– Uống rượu nhiều và hút thuốc lá
– Sử dụng các steroid để làm tăng sức mạnh và khối cơ
– Tiếp xúc lâu dài với arsenic, aflatoxin, vinyl chloride, và thorium dioxide
Những triệu chứng của bệnh ung thư gan
– Đau ở bụng trên bên phải, vị trí của gan
– Có một khối u hay cảm giác nặng bụng trên
– Báng bụng
– Đầy bụng hay chán ăn
– Giảm cân
– Yếu hay cảm thấy rất mệt mỏi
– Buồn nôn hay nôn
– Vàng da và mắt, phân bạc màu, tiểu vàng sậm
– Sốt
Phòng ngừa ung thư gan
– Nên đi khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng. Nếu có vấn đề về sức khỏe gan như tăng men gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan, bạn phải điều trị.
– Những bệnh nhân có virus viêm gan B, C phải tích cực điều trị, nên đi tầm soát kiểm tra định kỳ 3-6 tháng một lần để hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển nặng. HBV, HCV lây lan qua đường máu, quan hệ tình dục và mẹ truyền sang con.
– Thực hiện quen hệ tình dục an toàn
– Hạn chế rượu bia, tránh các hóa chất gây ung thư, không ăn gạo, ngũ cốc nhiễm nấm mốc aflatoxin…
– Luôn duy trì một trọng lượng hợp lý, tránh tăng cân.
– Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học, lối sống lành mạnh và tập thể dục đều đặn.
– Trẻ sơ sinh nên được tiêm chủng phòng ngừa virus viêm gan B để giảm nguy cơ ung thư gan trong tương lai.