Với mục tiêu là tập cho bé ăn uống một cách hợp lý và tìm được niềm vui trong mỗi bữa ăn, nên phương pháp ăn dặm của người Nhật chủ yếu dạy con tự lập trong việc ăn uống như tự cầm cầm muỗng, nĩa tự xúc thức ăn. Lúc này, bé sẽ được tập ăn thức ăn từ loãng đến đặc dần, từ mịn đến thô dần trong từng giai đoạn.
Thực đơn ăn dặm cho bé từ 5-6 tháng
Lúc này bé mới bắt đầu tập ăn, nên cho bé ăn từ ít đến nhiều. Mẹ nên cho bé được ngồi vào ghế ăn để hình thành thói quen ăn uống nghiêm túc, nhưng vẫn vui vẻ. Giai đoạn này chủ yếu là tập cho bé làm quen với các vị thực phẩm khác ngoài sữa và ăn bằng muỗng, vì vậy mẹ hãy áp dụng những thực đơn dưới đây:
1. Cà rốt nghiền cho bé 5 tháng tuổi ăn dặm (thời gian thực hiện: 2 phút)
– Nguyên liệu: Cà rốt nghiền: 2 thìa cà phê; Cháo trắng: 2 thìa cà phê;
– Cách làm: Nghiền cháo, đổ vào bát. Xong nghiền cà rốt, cho lên trên. Khi ăn có thể xúc 1 thìa cháo trắng ăn trước, sau đó xúc 1 thìa cà rốt nghiền. Hoặc trộn chung 2 thứ và cho ăn cùng lúc.
Mẹ nên luộc cà rốt tươi để giữ được hương vị và vitamin tốt nhất.
Cà rổt nghiền là một gợi ý không hề tồi cho thực đơn của mẹ thêm phong phú
2. Cháo bắp/cháo ngô ngọt (5 phút)
– Nguyên liệu: Cháo trắng: 2 thìa cà phê; Ngô/bắp nghiền: 2 thìa cà phê;
– Cách làm: Nấu cháo cùng với hạt ngô cho tới khi mềm, sau đó nghiền nhuyễn, bỏ bã.
Mẹ có thể nấu hạt ngô riêng, sau đó dùng máy xay cho nhanh. Nhưng nhớ lọc hết bã ngô nhé.
3. Cháo rau chân vịt (2 phút)
– Nguyên liệu: Cháo trắng: 2 thìa cà phê; Rau chân vịt nghiền: 2 thìa cà phê;
– Cách làm: Rau chân vịt rửa sạch, chỉ lấy phần lá. Luộc cho tới khi chín mềm rồi nghiền nhỏ, sau đó trộn với cháo trắng.
Đây là món ăn cực tốt cho bé, bởi các loại rau có lá rất tốt cho hệ tiêu hóa còn non nớt của trẻ.
4. Súp khoai tây sữa (10 phút)
– Nguyên liệu: 1/8 củ khoai tây, 60ml sữa;
– Cách làm: Khoai tây gọt vỏ, cắt nhỏ rồi luộc chín. Sau đó, cho tiếp khoai tây vào sữa đã pha thành dạng lỏng, đun ở lửa nhỏ cho tới khi mềm nhừ. Cuối cùng nghiền thành súp cho bé ăn.
Đây là món ăn dễ tiêu, thơm ngon không chỉ cho bé mà còn phù hợp với tất cả các thành viên trong gia đình.
5. Cháo đậu cô ve (10 phút)
– Nguyên liệu: Cháo trắng: 2 thìa cà phê; Đậu cô ve nghiền: 2 thìa cà phê;
– Cách làm: Đậu rửa sạch, trần qua cho bớt mùi nồng, sau đó luộc chín mềm, nghiền nhỏ. Sau đó, cho đậu nghiền vào giữa bát cháo trắng.
Lưu ý: Tuần đầu tiên, các mẹ chỉ cho bé ăn cháo trắng nghiền nhuyễn, rây qua lưới. Từ tuần thứ hai trở đi có thể cho bé ăn thêm một chút rau, củ, quả. Mẹ nên tránh cho bé ăn những dễ gây dị ứng như cá thu, tôm, cua, bạch tuộc, các loại ốc, thịt, sữa bò. Đặc biệt, giai đoạn này mẹ không nên nêm muối vào đồ ăn dặm của bé.
Thực đơn ăn dặm cho bé từ 7-8 tháng
Đây là giai đoạn bé bắt đầu biết nhai trệu trạo, bé có thể đẩy mạnh lưỡi lên hàm trên để làm tan thức ăn, nên những món có độ mềm như cháo không cần nghiền nhuyễn bé cũng có thể ăn được.
6. Cháo mận muối (2 phút)
– Nguyên liệu: 4 thìa cà phê cháo trắng; 1/4 quả mận muối (ô mai mận), 1 chút xíu tỏi tây;
– Cách làm: Nghiền cháo trắng cho nhuyễn. Mận muối bỏ hạt, nghiền nhuyễn, cho lên mặt cháo cùng với tỏi tây.
Mẹ nên làm mềm ô mai mận bằng cách ngâm quả ô mai trong nước nóng già khoảng 10 phút, sẽ giúp ô mai bớt mặn.
7. Cháo cá thịt trắng và cà rốt (20 phút)
– Nguyên liệu: 50g cà rốt; 30g nạc cá thịt trắng (thịt cá màu trắng); 1/2 thìa cà phê rong biển tươi (hoặc 1 thìa rong biển khô); 1/2 thìa cà phê bột gạo/ bột năng;
– Cách làm:
+ Cà rốt gọt vỏ, cắt miếng khoảng 1mm, luộc chín trong 10p và nghiền nhuyễn;
+ Rong biển rửa sạch, luộc ở lửa lớn trong 1 -2p cho mềm;
+ Cá bỏ da, luộc hoặc hấp chín mềm trong 5p rồi lọc hết xương, làm nhỏ;
+ Cho nước súp (nước luộc thịt hoặc rau củ quả) vào nồi; Cho hết những nguyên liệu đã chuẩn bị ở trên vào vào, đun sôi khoảng 3 phút; Cuối cùng cho bột gạo/ bột năng đã hòa tan, đợi sôi lại thì tắt bếp.
Mẹ nên rửa rong biển thật kỹ với nước cho hết mặn, sau đó luộc bằng nước lạnh.
8. Cháo đậu cô ve và vừng đen (10 phút)
– Nguyên liệu: 1 thìa đậu cô ve luộc chín; 4 thìa cháo trắng; 1 thìa nước nước rau củ hay nước hầm xương đều được; Vừng đen rang chín giã nhỏ vừa đủ;
– Cách làm: Cho đậu cô ve vào nước dùng, luộc chín và nghiền nhỏ. Sau đó cho lên mặt chén cháo rồi rắc vừng đen lên.
Có thể dùng đậu đông lạnh hay đậu tươi đều được.
Giai đoạn này mẹ nên cho trẻ ăn những thức ăn cứng hơn để hình thành thói quen nha.
9. Sốt thịt gà băm nấu khoai môn (10 phút)
– Nguyên liệu: 1 củ khoai môn; 2 thìa thịt gà bằm; 1 ít bột gạo/bột khoai tây/bột năng; 100ml nước dùng, 2 thìa hành lá bằm nhuyễn, nước tương (xì dầu) vừa đủ;
– Cách làm:
+ Khoai môn gọt vỏ, cắt lát mỏng, dùng wrap bọc lại, hấp trong lò vi sóng trong 2 phút. Sau đó đợi bay hết khói, dùng nĩa dằm nhỏ hoặc bằm bằng dao cho nhuyễn;
+ Cho chảo lên bếp, cho thịt gà bằm hòa với nước dùng cho tơi, đun cùng với nước tương và hành lá thái nhỏ cho tới khi thịt gà chín mềm (khoảng 6 phút);
+ Cuối cùng cho bột gạo đã hòa tan vào, đun sôi lại để tạo độ sánh là được.
Nếu giỏi làm bếp, mẹ có thể để miếng khoai môn trên tay rồi dùng dao thái lát sẽ mỏng hơn để trên thớt.
10. Cháo cá cơm lá dâu non (10 phút)
– Nguyên liệu: 4 thìa cà phê cháo; 1 thìa cá cơm; 1 ˜ 2 lá dâu non;
– Cách làm:
+ Cá cơm đun với 1 chút nước lá chè xanh để khử mùi, xong luộc chín nghiền nhuyễn. Lá dâu non cũng luộc chín, nghiền nhuyễn;
+ Có thể để riêng cá và lá dâu thành 1 đĩa, cháo trắng để riêng 1 bát; Hoặc trình bày theo kiểu cháo trắng múc trước, sau đó rắc lá dâu nghiền lên,
+ Cuối cùng xúc 1 cá cơm để lên trên, khi ăn thì trộn đều hoặc cho bé ăn từng thứ một.
Mẹ cũng có thể thay cá cơm bằng các loại cá thịt trắng.
Hi vọng với những gợi ý trên, có thể giúp mẹ dễ dàng hơn trong việc suy nghĩ thực đơn cho bé ăn dặm.