Những phụ nữ mắc bệnh này có đặc điểm thừa cân, béo phì, rậm lông, mụn trứng cá nhiều (dù đã qua tuổi dậy thì), rối loạn kinh nguyệt như kinh thưa, vô kinh… và nếu có được siêu âm ngả âm đạo sẽ thấy nhiều nang trứng trong mô buồng trứng.
Vô sinh vì buồng trứng đa nang
Chị Hoàng Thị Hà (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự sau sinh bé đầu được 4 năm, vợ chồng chị bàn chuyện sinh thêm bé thứ hai nhưng chị “thả” cả năm mà vẫn chưa có em bé nên bắt đầu đi khám. Bác sĩ siêu âm phát hiện chị bị hội chứng buồng trứng đa nang.
Chị Hà kể từ ngày còn con gái đến nay chu kỳ kinh nguyệt của chị vẫn bập bõm 3 – 4 tháng một lần và từ thời bà nội hay mẹ chị cũng không đều như thế họ vẫn sinh đẻ bình thường nên chẳng ai nghĩ đó là bệnh. Khi bác sĩ cho biết chị bị đa nang và để có con lần hai này rất khó phải sử dụng nhiều biện pháp hỗ trợ sinh sản.
Buồng trứng đa nang căn bệnh nguy hiểm
Chị Hà đã đi kiểm tra 2, 3 lần và kết quả đều cho biết chị bị hội chứng buồng trứng đa nang.
Không giống như chị Hà, từ lúc dậy thì chị Bùi Thị Nga, Hưng Yên đã rậm lông tay, lông chân nhưng chị Nga nghĩ đó là điều bình thường mà không biết dấu hiệu của buồng trứng đa nang.
Chỉ đến khi lấy chồng hai vợ chồng không có con đi khám chị mới biết đó là đa nang buồng trứng. Hai vợ chồng chị Nga đã điều trị 3 năm nay nhưng vẫn chưa có kết quả.
Nguy cơ ung thư nội mạc tử cung
Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trung – Giảng viên bộ môn Phụ Sản Trường Đại học Y Dược TP.HCM, Trưởng phòng khám Phụ Sản Hoàng Gia cho biết hội chứng buồng trứng đa nang là tình trạng rối loạn chuyển hóa mà cơ chế gây bệnh chưa được biết rõ.
Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cho rằng đây là căn bệnh do rối loạn nội tiết tố trong đó yếu tố về gia đình và tình trạng lối sống lười vận động, tiêu thụ nhiều chất béo, dầu mỡ… góp phần làm tăng nguy cơ bị bệnh.
Những phụ nữ mắc bệnh này có đặc điểm thừa cân, béo phì, rậm lông, mụn trứng cá nhiều (dù đã qua tuổi dậy thì), rối loạn kinh nguyệt như kinh thưa, vô kinh… và nếu có được siêu âm ngả âm đạo sẽ thấy nhiều nang trứng trong mô buồng trứng.
Ngoài ra, những người bị hội chứng buồng trứng đa nang cũng hay kèm theo tình trạng rối loạn chuyển hóa mỡ máu dẫn đến tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Những phụ nữ này còn bị tăng nguy cơ bị đái tháo đường do tình trạng đề kháng insulin.
Do đó, phụ nữ bị buồng trứng đa nang có thể gặp ở nhiều chuyên khoa khác nhau như sản phụ khoa, hiếm muộn, nội tổng quát, tim mạch… và cả chuyên khoa da liễu.
Đặc biệt phụ nữ mắc hội chứng đa nang buồng trứng có nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung cao hơn so với những người không mắc bệnh. Theo bác sĩ Trung do tác dụng của tình trạng cường estrogen (hậu quả của tình trạng không rụng trứng kéo dài) dẫn đến niêm mạc tử cung dày lên và không chịu bong ra. Tình trạng này kéo dài làm tăng nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
Dấu hiệu của bệnh
Theo TS Trung nguyên nhân của hội chứng buồng trứng đa nang chưa rõ nhưng người ta thấy có yếu tố di truyền, lối sống ít vận động và ăn nhiều dầu mỡ, chất béo… làm tăng tình trạng béo phì dễ dẫn đến dễ bị hội chứng buồng trứng đa nang.
Tuy nhiên, đối với người phụ nữ Việt Nam, không ít người phụ nữ có thể tạng gầy vẫn bị hội chứng buồng trứng đa nang.
Triệu chứng của buồng trứng đa nang khá đa dạng. Một số người có tình trạng cường androgen, nam hóa quá mức như rậm lông, mụn trứng cá nhiều… Điều này còn được thể hiện qua xét nghiệm máu, trong đó nồng độ nội tiết tố nam tăng cao quá mức bình thường.
Triệu chứng thứ hai là tình trạng rối loạn chuyển hóa mỡ máu, đái tháo đường. Việc này có thể được chẩn đoán qua xét nghiệm máu.
Nhóm triệu chứng thứ ba là tình trạng rối loạn rụng trứng được thể hiện qua kinh nguyệt thưa hoặc vô kinh.
Bình thường, người phụ nữ có kinh nguyệt đều với chu kỳ mỗi tháng 1 lần. Tuy nhiên, những người phụ nữ bị buồng trứng đa nang thì hay bị trễ kinh, kinh không đều, có khi 3 – 4 tháng mới có kinh. Do những người này bị tình trạng rối loạn rụng trứng nên dễ dẫn đến hiếm muộn – vô sinh. Khi siêu âm qua ngả âm đạo, các bác sĩ chuyên khoa sẽ thấy nhiều nang trứng trên biểu mô buồng trứng của người phụ nữ.
Để điều trị hội chứng buồng trứng đa nang bác sĩ Trung cho biết tùy theo mức độ ảnh hưởng đến các rối loạn ở cơ quan nào mà việc can thiệp điều trị khác nhau. Với những người bị hội chứng buồng trứng đa nang kèm theo bị hiếm muộn- vô sinh, cần được tư vấn và thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như bơm tình trùng vào tử cung hoặc thụ tinh trong ống nghiệm.
Còn những phụ nữ bị rậm lông, nam hóa quá mức thì người bệnh phải sử dụng nội tiết tố ức chế nội tiết tố sinh dục nam giảm thấp xuống. Còn với những người bị rối loạn chuyển hóa lipid, tăng cholesterol máu, rối loạn đái tháo đường cần phải khám và theo dõi tại các bác sĩ chuyên khoa nội tiết hoặc nội tổng quát.
Những phụ nữ lớn tuổi, tiền sử bị hội chứng buồng trứng đa nang cần phải được khám phụ khoa định kỳ, chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung qua nạo sinh thiết nội mạc tử cung, nhất là khi những người phụ nữ này có những triệu chứng rối loạn kinh nguyệt như “ra máu kinh” trở lại sau khi đã mãn kinh trên 1 năm, rong huyết không đáp ứng với các thuốc điều trị nội tiết….
Đến nay không có loại thuốc nào có thể điều trị triệt để hội chứng buồng trứng đa nang. Tùy theo từng mức độ ảnh hưởng của hội chứng này đến bản thân người bệnh, người bác sĩ sẽ cho chỉ định điều trị chứ không phải có một loại thuốc chuyên biệt nào để điều trị triệt để hội chứng buồng trứng đa nang. Khi bị hội chứng này cần theo dõi suốt đời – BS Trung nhấn mạnh.
Để dự phòng hội chứng buồng trứng đa nang theo bác sĩ Trung ngoài yếu tố gia đình không thể can thiệp được, chị em phụ nữ cần thay đổi lối sống, nhất là những người phụ nữ có thể tạng hơi thừa cân hoặc béo phì. Những người phụ nữ này nên tăng cường vận động, tập thể dục thể thao, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế chất ngọt, tinh bột….
Đối với những người phụ nữ đã được chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang, việc thay đổi chế độ ăn, lối sống như trên là cần thiết hơn nữa bên cạnh các liệu pháp điều trị chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa.