Cách chính xác để pha trà là đun sôi ấm nước, sau đó đặt ra ngoài bếp rồi bỏ trà vào trong ấm.
Trà có nhiều loại như trà thảo mộc, trà xanh, trà ô long… các loại trà này đều mang lại lợi ích cho sức khỏe cho người uống. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự tốt khi chúng ta sử dụng đúng cách. Trang Fustany đã chỉ ra 5 sai lầm cần tránh khi uống trà.
1. Đừng uống trà trực tiếp trước hoặc sau bữa ăn
Khi uống trà ngay trước hoặc sau bữa ăn, cơ thể bạn sẽ ít hấp thụ chất sắt và protein thu được từ bữa ăn. Thời điểm thích hợp để uống trà là ít nhất nửa tiếng đến một giờ trước và sau bữa ăn.
2. Uống trà quá nóng
Dù bạn có tin hay không, uống trà nóng rực có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vòm họng. Nó sẽ không chỉ tác động xấu đến cổ họng của bạn, mà còn làm tổn thương và gây viêm niêm mạc dạ dày.
Uống trà quá nóng sẽ gây tổn thương vòm họng.
Ngoài ra bạn cũng không nên hãm trà khi nước đang sôi sùng sục. Nhiều người nghĩ điều đó sẽ giúp làm chín trà nhanh hơn, tuy nhiên, thói quen này lại gây ra nồng độ axit cao trong dạ dày. Cách chính xác để pha trà là đun sôi ấm nước, sau đó đặt ra ngoài bếp rồi bỏ trà vào trong ấm.
3. Đừng uống trà quá đặc
Trà quá đậm đặc có nhiều khả năng gây mất ngủ và đau dạ dày. Bởi trà chứa một lượng tanin rất cao, khi thường xuyên nạp tanin với lượng lớn sẽ dẫn tới thiếu vitamin B, làm co thắt niêm mạc dạ dày, gây ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa.
Trà đặc còn làm giảm khả năng hấp thụ sắt trong thức ăn. Do đó, nếu lỡ pha quá đặc, hãy chế thêm chút nước sôi vào cốc của bạn, để trà loãng ra.
4. Đừng uống thuốc với trà
Đây là một trong những thói quen trà tồi tệ nhất mà có thể bạn mắc phải. Trong trà có nhiều dưỡng chất, đặc biệt là chất tannin khi kết hợp với các dược chất sẽ xảy ra phản ứng hóa học, làm cho thuốc kém hiệu quả và khó hấp thu.
Lúc này cơ thể bạn sẽ không hấp thụ thuốc tốt, thuốc có thể phản ứng tiêu cực với trà và tác dụng của thuốc có thể biến mất.
5. Đừng uống trà khi bạn đói
Nếu bạn uống trà khi đói, nó cũng có thể gây ra cảm giác thèm ăn hơn, nhưng trong khi dạ dày của bạn đang trống rỗng, chất chát trong trà sẽ đi vào tạng phế và làm lạnh tì, vị.
Ngoài ra khi đói bụng miệng bạn sẽ bị khô, và khi uống trà, chúng sẽ ảnh hưởng đến nước bọt trong miệng và khiến khoang miệng của bạn càng khô hơn.